Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Hồi ký.........

Thời ...Kinh thế !...
Thật ra năm 1973 do anh sáu nhận định thời cuộc mà bảo cha tìm vùng đất để sau này có thể về sống khi đất nước hòa bình. Không biết dun rủi thế nào ông tìm ra rừng lá và dừng chân tại căn cứ 8 thuộc khu Phật giáo mà chính quyền hồi đó đưa dân từ Quy nhơn -Bình định vào. Lúc bấy giờ khi được nghỉ hè mình bị anh sáu "điều"ra ở phụ cha làm vườn, mẹ cũng thỉnh thoảng ra ra về về .Còn nhớ chính quyền tỉnh Bình Tuy bấy giờ có hứa hổ trợ cho mỗi hộ 120 ngàn và 40 tấm tôn để an cư,ai nghe cũng trông đợi dữ lắm! Nhưng hứa hoài mà không cấp, lúc đó ông Thích Ngộ Đạo là người lãnh đạo khu này xúi bà con xuống đường!!! Vui lắm ....buổi sáng hôm ấy tất cả bà con cùng kéo ra quốc lộ chỗ Miếu Cậu khiêng mọi thứ làm lô cốt để cản đường! và còn chuẩn bị sẳn can xăng để "tự thiêu" làm áp lực ,người nhận trách nhiệm này là ông Lâm văn Kỷ!..Khoảng đâu nữa tiếng sau chính quyền Bình Tuy có mặt để giải quyết , bà con la ó rân trời , ông Kỷ thì đem can xăng ra tưới lên mình dọa đốt .Ông Thích Ngộ Đạo ra gặp và nói chuyện với lãnh đạo tỉnh BT thế nào không biết ,lát sau bảo mọi người rút lui, thế là "thắng".Đâu mấy ngày sau thông báo nhận tiền ,có người lãnh xong "dông " luôn vì theo thỏa thuận với ông TNĐ là sau khi nhận tiền và tôn Firo thì phải 'Cúng" lại cho chùa 40 ngàn và 10 tấm tôn để xây chùa...muốn ở lại thì phải đóng thôi!...hic...
Sau giải phóng , nghe lời động viên của chú sáu và sẳn đã có chỗ rồi nên quyết định bán nhà SG xung phong đi . Bán nhà xong cha mới bàn lên mua trên căn cứ 7 cho vui, dưới đó mình ở tít cuối cùng nên buồn lắm!Vậy là bán luôn nhà khu Phật giáo lên "định cư" khu Phúc âm .
Thế là hết chỗ về nhé! ...
Thời gian đầu tiên buồn vô hạn , "dân chơi" mà không có bạn bè chịu sao nổi!
Biết trước nên khi về đây có đem theo cây đàn mandoline mà hồi xưa đi học,và xin mẹ mua thêm cây Ghitar với cây sáo trúc cùng mấy quyển sách tự học chuẩn bị sẳn sàng "chiến đấu".
Dân thành phố về làm rẫy thật buồn cười ! cầm cuốc , rựa làm chưa bao lâu thì phồng tay,dang nắng thì rát mặt cứ lựa bụi kè mà núp!...nói tiếng làm rẫy mà hàng tháng phải về SG mua gạo ra ăn!.hic....đúng là dân SG....
Chiều về ,ăn uống xong buồn tình ra phòng lồi ngồi đàn lại những bản nhạc đã học cho vơi bớt đi nỗi nhớ SG, ở đây vừa không có điện vừa chẳng có ti vi xem, cũng may là còn có chiếc radio để nghe !....Đêm về, không gian tĩnh mịch dưới ánh đèn dầu leo loét hòa quyện tiếng côn trùng rỉ rả ... buồn đến não lòng! không biết sao nước mắt mình tuôn ra tự bao giờ...?!
Phải hàng tháng trời,mình mới bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới ,dần dà bọn trong xóm cũng lân la đến làm quen , nhờ cây đàn đấy! Bọn chúng thấy mình đàn, ngưỡng mộ lắm nghe ! Một hôm bọn Tiến râu rủ đi chơi, dọc theo quốc lộ từng nhóm thanh thiếu niên sinh hoạt thật sôi động,vậy là ...cũng không đến nỗi ...có chỗ để thư giãn rồi...
Công việc nhà nông nói vậy chứ làm riết rồi cũng quen, tay hết phồng ,dang nắng hoài cũng chịu, ngặt nỗi đất ở khu mình không tốt nên thu hoạch chẳng bao nhiêu. Lại còn chuyện làm hợp tác ăn công điểm nữa chứ !đi làm vui thật nhưng kết quả chẳng ra gì ...Thời đó còn ngăn sông cấm chợ ,mọi thứ đều mua ở công thương, có sổ phiếu tiêu chuẩn rõ ràng không mua hơn được, nên mới có chuyện buồn cười là gia đình nào đông người thì mặc chung một bộ đồ!...nói tóm lại là mọi cái đều khó khăn , ai cũng phải cố gắng để vượt qua!

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Nhớ ơn thầy!.....

Nhân ngày "Hiến chương nhà giáo" con xin kính gởi lời tri ân đến tất cả quý thầy cô đã từng dạy dỗ con ,biết rằng hằng bao nhiêu năm nay chưa một lần gặp lại, sẽ có người còn , có người mất ,nhưng trong tận tâm khảm mình con luôn luôn ghi tạc công ơn của tất cả quý thầy cô. Hơn bốn mươi năm , qua biết bao biến đổi của cuộc đời ,dù bây giờ con thành đạt hay chưa điều đó không quan trọng bằng con vẫn luôn giữ bên mình cái đạo lý làm người mà thầy cô đã dạy dỗ cho chúng con.Con kính chúc quý thầy cô và gia đình được mọi sự bình an,và xin thắp nén hương lòng cho người đã khuất.
Con là đứa học trò đã từng học tiểu học Thành Nhân (phường 4 quận 11) trường Minh Đạo, trường Cần Tiến Minh Tâm và Mạc Đĩnh Chi( quận 6 ) từ năm 1967-1975.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Hồi ký.......

Thời...hết..biết.

Không hiểu sao khoảng thời gian này gia đình mình gặp nhiều chuyện xúi quẩy liên tục

Năm 72 ngay ngày đám giỗ ông nội ,anh bốn tự nhiên bỏ đi đâu mất !cả nhà đi tìm mãi không thấy ,đăng báo, lên đài rồi cũng biệt tăm luôn! Năm 73 đúng vào ngày mồng 5 tháng 5 bà nội té nằm liệt một chỗ.Tháng 4 năm 74 anh sáu mất , cái chết của anh sáu hoàn toàn gây bất ngờ cho mọi người, chỉ còn 1 tháng nữa là anh được đi Mỹ học thêm về kỹ thuật máy tàu ( ngoài vẽ anh còn biết về kỹ thuật) do ông giang đoàn trưởng ưu ái cho đi và chỉ có 1 mình anh được đi ,vì thế nảy sinh sự ganh tỵ ,anh ngại điều tiếng nên xin được đi trực chiến trong tháng này để anh em khỏi phân bì , được vài ba ngày , hôm ấy trên chiếc tàu tuần tra chỉ có 4 người : 1 lái tàu, 1 sửa tàu,và 2 lính quan sát,không có trở ngại và va chạm gì, vậy mà anh sáu rớt ngay vào dòng nước xoáy chết, lúc ấy anh mới cưới vợ được 3 tháng.Mọi nghi vấn đều dồn vào 3 người còn lại ,giang đoàn yêu cầu gia đình làm đơn kiện , nhưng hồi đó cũng thiệt thà nghĩ :có kiện thì cũng chết rồi , nên lại thôi!...
Quả thật nạn tai đến dồn dập như thế ai mà chịu nổi!
Không chịu nổi ...rồi...cũng phải chịu!!!
Và....năm 1975 giải phóng về....
Giải phóng về ,gia đình mình lật qua một trang khác...chú sáu đi tập kết về , vào Sài gòn chú "động viên" gia đình đi vùng Kinh tế mới, lúc ấy chú rất có uy ,mọi lời nói của chú đều "đúng " cả , cha mẹ nghe theo liền đăng ký tự nguyện xung phong đi đầu ,sau này mới biết trong xóm chỉ có mình đi chứ có ai đi đâu...trời...!

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Hồi ký.......


Thời...thời cuộc......
Từ ngày anh sáu vào ,gia đình vui hẳn lên ! Mình còn nhớ anh kéo nào bác Thu, bác Chiến, bác Bá và cả chú ba Hương về ở chung đi học cho vui,(tuổi thì cũng xem xem như anh sáu nhưng vì quan hệ họ hàng nên kêu vậy) ban ngày đi học ,tối về tụ tập đàn hát ,ngâm thơ ,mình nằm nghe ngủ lúc nào cũng không hay... Tháng 5 năm 1966 ông nội qua đời , khi biết tin thì đã chôn cất ông xong rồi , người bà con ở quê đem khăn vào bịt thôi chẳng ai về được ,kể cả cha mình ...!!!
Cha thỉnh thoảng cũng dẫn anh bốn về thăm nhà , sau này tự nhiên anh tỏ ra ngớ ngẩn , cười cười nói nói một mình nên mẹ không cho đi dệt với cha nữa. Từ đó cha cũng xin làm bảo vệ cho sở Mỹ , anh sáu vừa đi học vừa phụ nghề thợ mộc cho ông tư trong xóm để kiếm thêm tiền mua sách vở, mình thì đi học tiểu học ở trường Thành Nhân gần nhà , trường này do một sư già lập ra dạy từ thiện . Cuộc sống yên ả như thế đến mùa xuân Mậu thân (1968) chiến sự xảy ra ,mình còn nhớ đêm giao thừa năm ấy tiếng pháo, tiếng súng trộn lẫn nhau nào có ai hay ,đến khi nghe tiếng chạy huỳnh huỵch ,tiếng la hét rân trời mới biết là có chiến tranh.Mọi người hoảng loạn ,ai ở nhà nấy lo thu xếp đồ đạc chuẩn bị di tản...Đâu khoảng 2,3 giờ sáng ,nghe tiếng súng hơi thưa thớt, không ai bảo ai cùng túa ra tìm đường đến chỗ an toàn,mình nhớ là cả xóm chạy đến trường Mạc đĩnh chi cách đó khoảng 2 cây số để lánh nạn, đến nơi đã thấy hàng trăm người ở đây rồi , tiếng súng vẫn không ngớt, bỗng thấy bóng hai ba người mang súng mặc quần đùi đội nón tai bèo chạy qua ,xa phía sau là tốp lính chạy theo bắn loạn xạ ,mọi người một phen hú hồn sợ lạc đạn chết oan....
Vài ngày sau ,bình thường trở lại, mọi người kéo nhau về thì hỡi ôi! nhà đã cháy hết rồi chẳng còn gì,mẹ khóc tiếc nuối bao công sức đã tan thành tro bụi....thế là ...quay lại từ đầu!.......
...Mọi chuyện ai có ngờ đâu,một thời gian ngắn sau chính quyền hồi đó cấp lại nền nhà khác theo lô hẳn hoi, rồi cấp thêm xi măng, tôn để xây nhà, nghĩ cũng buồn cười tưởng không có nhà ở ,giờ lại có nhà xây đàng hoàng!....
Công việc trở lại bình thường, lúc này bà nội vào ở với gia đình rồi,mẹ vẫn đi mua bán giấy, anh sáu thi rớt tú tài hai phải đi lính,không chạy chọt gì cả nhưng anh đi lính sướng lắm! cứ vài ngày lại về nhà , hồi đó anh đi lính hải quân thuộc giang đoàn 22 xung phong đóng tại Nhà bè ,anh là họa sĩ nên ông giang đoàn trưởng bảo dạy vẽ cho con ông và quản lý thư viện thế thôi,không đi tuần đi trực gì cả! nghe nói thấy anh hiền nên ông thương lắm! người ta đặt tên cho anh là "sáu hiền"mà .,lính mà không cà phê thuốc lá , cờ bạc rượu chè gì hết, tới tháng lãnh lương đem về cho mẹ , khi nào đi chỉ xin ít tiền xăng....
Thời ...nghịch ...tặc
Ừ ! thời nghịch tặc , mình lúc bấy giờ hoang nghịch ghê lắm ! học thì vẫn bình thường,giỏi nữa là đằng khác -văn ,toán thì khỏi nói , môn nào mà học thuộc lòng thì thua , có đời nào học bài đâu mà thuộc! học buổi sáng xong buổi chiều đi đá banh, đánh bida, rồi còn đánh lộn ăn tiền nữa, ở đầu xóm có hai vợ chồng ông Tư béo nhà giàu có lắm , nhưng lại không có con, nhà có khoảng sân phía trước cũng rộng !xây lan can xung quanh như cái võ đài vậy!thấy bọn mình hay đánh lộn ông cắc cớ bảo: thôi tụi bây dô đây , đứa nào đánh thắng tao cho 5 đồng rồi xịt nước tắm thoải mái !Bọn mình nghe chịu liền . Lúc đó mình khỏe lắm , chẳng đứa nào đánh lại đâu, muốn kiếm tiền phải chấp 2 hoặc 3 đứa , nói chứ cũng có mánh , cứ nhè 1 trong 2 hoặc 3 đứa mà đánh xé lẻ ra là tụi nó chịu thua liền !Một hôm, bị thua hoài tụi nó bàn kế xáp vô 3 đứa một lần ,mình trở tay không kịp bị nó lên gối một cái làm con mắt bầm đen! Về nhà mẹ hỏi nói đi qua cầu bị té ! mẹ lăn mấy cái hột gà mới bớt!...Không hiểu sao lúc bấy giờ mình ghiền phim võ thuật kinh khủng ,tìm mọi cách để có tiền đi coi phim, nào :Địch long,Khương đại vệ, Trần tinh, Lý tiểu long...nó hớp hồn mình lúc nào không biết nữa ,có lần "chôm" của mẹ tờ 500 đồng con cọp đi coi hàng nữa tháng trời ...rạp Quốc thái là "mối ruột" của mình ...lần đó về anh sáu dợt cho một trận nên thân ! ôi ...nghịch tặc.... Năm 1970 anh sáu về quê chơi thấy thằng bảy con chú bốn khổ quá nên dẫn vào cho ăn học , nó như con gái ấy , đi học về là vào bếp lo nấu ăn, dọn dẹp xong rồi phụ xếp giấy với mẹ,vậy chứ nó học rất giỏi,tháng nào cũng đứng nhất lớp,anh sáu thương nó lắm, năm thi vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) nó đậu thủ khoa ,trường nào cũng dành là học trò của mình. Mình thi trước nó 1 năm cũng đậu nhưng tới hàng 114 lận , vậy là khá lắm rồi:(thi 3000 lấy 600 ) ngày mình thi ai cũng nghĩ là rớt chắc ,ai ngờ năm đó 4 anh em chú bác đi thi chỉ có mình là đậu thôi! chịu khó học bài cũng thủ khoa chớ chẳng chơi đó nghe...hic.....
Nói về "nghịch tặc" của mình thì nhiều vô kể ,kể tới sáng cũng không hết, nói chung là nghịch...nghịch lắm !bị anh sáu phạt liên tục hết hình phạt này tới hình phạt khác nhưng đâu có "ngán" tìm mọi cách đi chơi bằng được ,có lần viện cớ ở trường có dạy đàn ,xin đi học đàn mandolin , ảnh nhìn mình nghi hoặc: mầy mà đàn địch cái gì, kiếm cớ đi chơi thì có -không đâu ,em học thiệt mà thấy mấy đứa trong lớp học em thích lắm!-nghĩ đi nghĩ lại ảnh phán: Thôi được rồi! nhưng phải về đàn cho tôi kiểm tra đó nghe chưa!...Thế là được đi chơi "hợp pháp"...Đúng là mình có năng khiếu thiệt nghe, toàn là cúp cua đi chơi lâu lâu mới học một bữa mà đàn cũng ngọt xớt,ảnh biểu mình đàn cho nghe ,nghe xong không nói tiếng nào vậy là yên tâm ..."học tiếp"...Chưa đâu nghe ! thấy mình có giờ rảnh là ảnh bắt vẽ , đưa bìa báo "thằng bờm" ảnh bắt vẽ phóng to ra tờ giấy ruki rồi tô màu nước ,dự trù 3 ngày mới xong ,nhưng mới hơn một buổi mình vẽ xong rồi ,tha hồ đi chơi...nói chung là rất ham chơi ,nhưng học hành thì vẫn đàng hoàng.




























Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Hồi ký.......


Thời tha hương
Vừa hạ cánh ở sân bay,mẹ tìm đường đến nhà cô ba (cô theo chồng vào SG đã lâu) .Mình còn nhớ :hai mẹ con mới bước chân tới hiên nhà ,cô nhìn thấy không chào hỏi gì cả mà toáng lên:_Trời ơi! bộ chị không biết cái đất SG này sao mà còn vô đây!Chị tưởng trong này sướng lắm hả?... Mẹ chưng hửng phân trần: -Biết chứ cô! tui cũng đâu có muốn ,nhưng ai cũng biểu vô trong này thời gian thử coi sao, nếu không được thì trở về!... giọng mẹ chùng xuống buồn buồn,mình thấy thương mẹ quá !. Mẹ làm dâu cực lắm ,vì cha mà ai cũng ghét gia đình mình . Tại sao mà ông ghét cha mình ư! Sau này khi lớn lên mình mới hiểu ra : ông nội là thầy giáo là người truyền thụ kiến thức bấy giờ cho cả làng ,còn cha mình thì rất thông minh nhưng lại không chịu học hành chỉ lo ăn chơi ,cờ bạc làm mất đi uy tín của ông, nên có câu "cha làm thầy con đốt sách" khuyên mãi không nghe ông buồn giận lắm nên ghét cha và ghét lây cả vợ con,mình rất buồn vì sự cố chấp này của ông ....Nghe nói từ ngày lấy cha chỉ một mình mẹ làm lụng bươn chải để nuôi các anh chị, riêng mình từ nhỏ ít khi nào thấy bóng dáng ông trong gia đình và chưa bao giờ nhận được sự yêu thương hay dạy bảo gì của ông ...
Ở nhà cô một lát, thấy không xong mẹ liền quày quả tìm đường xuống ngã tư Bảy hiền, ở đây có nhiều người miền Trung vào lập nghiệp từ lâu ,có người là bà con của mẹ ! ....Thế rồi cũng có người giúp đỡ , dì năm Mỗi (bà con với mẹ) cho hai mẹ con vào ở tạm một thời gian ,rồi dì giới thiệu cho mẹ đi gánh nước thuê để sinh sống qua ngày ,mình còn nhớ ,mẹ gánh nước nhà nào mình cũng lẽo đẽo theo sau, sợ mất mẹ lắm!Tới bữa mẹ ra quán cơm xã hội mua về ăn, ở nhờ mà nấu nướng phiền phức lắm! Vài tháng sau mẹ dành dụm được ít tiền, có người bà con bàn với mẹ đến xin ở nhờ nhà ông chú họ của mẹ là ông Sáu Võng và chuyển sang buôn bán giấy cửi(loại giấy người ta lót trong trục cửi).Hai ông bà cũng tốt bụng thấy hoàn cảnh hai mẹ con ,thương tình đồng ý ngay! Thế là mẹ lại bươn bả trong nghề buôn bán giấy...Thời gian này cha có ghé vài lần , nhưng cũng như cô cha nói :-Vô trong này làm chi cực khổ lắm!....Còn phần cha chẳng phụ giúp gì cho mẹ , cha dắt anh bốn đi dệt thuê rồi nhận tiền nướng vào sòng bạc hết! ...Khổ thân cho mẹ biết bao!!!...
Một thời gian sau,mẹ thấy buôn bán được nên mướn nhà ở riêng để khỏi phiền phức bà con, tính mẹ là vậy đó! Cũng một thời gian ngắn sau mẹ dành dụm được ít tiền nên nhờ người mua được căn nhà lá ở gần chợ Bình thới ...Mẹ thật phi thường , không khó khăn nào quật ngã được mẹ ! Thử nghĩ xem! chỉ hơn một năm từ chỗ không có gì hết đi ở nhờ ở đậu , mà giờ mẹ đã tạo được nhà riêng dù là căn nhà lá!...
Mẹ có ý của mẹ, quyết tâm mua nhà bằng được để đưa anh sáu và chị bảy vào luôn . Anh sáu vào đi học tiếp, chị bảy đi học dệt ở Bảy hiền.Mẹ tiện tặn lắm!ăn uống chỉ toàn rau với mắm , hãy tưởng tượng xem từ Bảy hiền về chợ Bình thới bao nhiêu cây số vậy mà ngày nào cũng vậy: khi đi thì đi xe lam khi về thì mẹ gánh đi bộ khoảng 70kg giấy về nhà để cho đở tiền xe !!!...Trên vai mẹ bây giờ vẫn còn dấu chai gù lên như nữa quả banh lông!...
Mẹ ơi! ...quả thật phi thường
Bao năm mẹ gánh đoạn trường trên vai
Cho con có được hôm nay
Lòng con nhớ mãi ơn này ...Mẹ ơi!....

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

Hồi ký cuộc đời....

Ai cũng có một thời thơ ấu, một thời thời tuổi trẻ ,và một thời để nhớ! mình cũng vậy , hôm nay mình sẽ hồi tưởng về quãng thời gian đã qua ,những vui buồn cuộc đời mà mình đã từng nếm trãi để nhìn lại chính mình đã được gì , mất gì trong cái " cõi tạm "bao la này....
Thời thơ ấu...
Mình sinh ra ở một làng quê nghèo miền trung, nay thuộc xã Duy trinh huyện Duy xuyên tỉnh Quảng nam. Gia đình mình và cả cái làng này sống bằng nghề ươm tơ tằm , dệt lụa . Nghe nói ông nội mình là thầy giáo trong làng ,mọi người thường gọi là thầy giáo Khóa ... Ông có tất cả sáu người con ,cha mình là anh cả tới cô ba , chú bốn , cô năm , chú sáu và chú bảy .Cha mẹ mình thì có tám người con : chị hai đã mất khi còn nhỏ, chị ba thì theo chồng ,anh bốn cũng theo cha vào SG học dệt, chị năm đã mất, anh sáu còn đi học , chị bảy ở nhà phụ mẹ, anh tám mất từ nhỏ, mình thì lúc nào cũng lẽo đẽo đi theo mẹ .Khoảng thời gian này có hai sự kiện mà mình sẽ không bao giờ quên được . Sự kiện thứ nhất là ...không biết ông nội là ông của mình!...thật vô lý phải không?...nhưng mà thật vậy đấy! ,chưa bao giờ ông kêu mình lại để âu yếm tưng tiu mà hể mình thấy ông là len lén bỏ chạy như người lạ vậy.....nhiều lần nhìn ông tay thì bồng thằng Nhược lưng thì cõng thằng Đình (con chú bảy) mình thấy tụi nó sướng thật!...lúc đó còn là trẻ con nên chẳng nghĩ ngợi gì ...có lần thằng Đình rủ qua nhà nó chơi mình buột miệng hỏi : có ông nội mầy ở nhà không Đình? (Câu nói này ngày nay nhiều người còn nhắc lại) Sau này khi lớn lên mới hiểu là tại ông ghét cha mình nên ghét luôn cả cháu ...mới tí tuổi đầu mà mình đã mất đi tình cảm của nội rồi dù lúc ấy ông vẫn còn sống!...mình là trẻ con mà nào có tội tình gì!...cũng may là còn có mẹ ...là út nên mẹ thương lắm ! dẫu sao cũng bù đắp phần nào vào cái sự mất mát đó......
Sự kiện thứ hai là...vụ lụt năm Thìn , bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy sợ ! nước mới lên tới đầu gối thì vui lắm !trẻ con lo tung tăng đi vọc nước ,còn anh Sáu mình lấy cái rổ tre ra hứng cá rồi đi bắt dế cơm ,con nào con nấy to như ngón chân cái ,bẻ đầu, rút ruột, lặt cánh rang lên thơm lừng!....Trời cứ mưa liên tục , nước bắt đầu dâng cao , mẹ thì lo cho con heo nái ,bà nhốt nó vào cái rọ rồi móc sợi dây treo ngược lên nóc nhà hể nước lên tới đâu thì kéo cao lên tới đó!... Đến ngày thứ hai thì nước đã lên tới mái nhà , các anh chị thì được hàng xóm , bà con chuyển đến nơi cao ráo an toàn rồi . Chỉ còn mình với mẹ ,vì tiếc con heo mà chưa chịu đi đành phải chui ra ngoài và leo lên mái nhà ngồi chờ cứu hộ ,còn con heo thì coi như xong ...! Rốt cục những người cứu hộ cũng đến , đưa hai mẹ con tập trung về nhà ông Tú Quỳnh vì duy nhất chỉ nhà ông có gác cao , mọi người đều tề tựu ở đây .Năm ấy lụt lớn thật ! ngồi trên gác nhà ông Tú Quỳnh cao dễ chừng đến vài ba mét mình thò chân xuống đã đụng nước rồi, xa xa ngoài kia là một biển nước mênh mông đang cuốn đi bao nhiêu tài sản nghèo nàn của cái vùng đất hay lụt lội này. Nhưng điều đó cũng chưa ghê gớm bằng cái đói...mà lương thực thì chẳng có gì ngoài ít khoai lang khô, khoai lang trụng nhai cho đở đói và chỉ ít gạo nấu cháo cho người già và trẻ nhỏ để cầm cự qua cơn lụt!...Mình nhớ hồi đó vừa lạnh vừa đói rã ruột phải thốt lên :trời ơi! ....chết cho rồi!...đói quá đi trời ơi.!..
Thế rồi cơn lụt qua đi , nước cũng rút nhanh, ai về nhà nấy lo dọn dẹp bùn đất nhà cửa và xem thử còn lại được gì .Vật dụng trong nhà như nối niêu, soong chảo thì vẫn còn do mẹ đã cẩn thận bỏ vào lu khạp đậy lại nên còn nguyên , con heo trong rọ thì đã chết rồi , thế mà vẫn phải xẻ thịt ra chia cho mọi người cùng ăn cho đỡ đói .. ôi ! khổ đến thế là cùng!... mà trời cũng còn thương, chẳng ai hề hấn gì !!!
Sau trận lụt năm Thìn(1964) vài tháng sau mẹ dắt vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh và cũng để theo cha vì cha đã dẫn anh bốn vào trước đó một thời gian rồi...Thế là mình từ giã quê hương vào nơi đất khách quê người, chuyến bay năm ấy chỉ có mình chú bảy tiễn đưa ...
Tuổi thơ tôi nơi quê nghèo thế đó!
Nhưng dẫu sao vẫn còn có quê hương
Dù đời mình hơi thiếu chút tình thương...
Và năm tháng nhọc nhằn nơi xứ lạ.....